Điều kiện để người Việt Kiều mua nhà tại Việt Nam

Lê Ngọc Quang
Thứ Sáu, 11/11/2022

Người nước ngoài và việt kiều khi mua bất động sản tại Việt Nam sẽ cần phải nắm rõ những quy định dưới đây để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Điều kiện để việt kiều mua nhà tại Việt Nam

Tại khoản 3 điều 3 luật quốc tịch 2008 sửa đổi, bổ sung 2014. Quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Đối chiếu quy định nêu trên thì việt kiều được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, do vậy, việc mua, sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ được áp dụng theo chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo khoản 2, điều 5 nghị định 99/2015/NĐ-CP. Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam phải có giấy tờ thuộc một trong hai trường hợp sau: 

- Trường hợp mang  hộ chiếu về Việt Nam. Thì phải có giá trị và đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu;

- Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài phải có giá trị,có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp, hoặc giấy tờ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cách Việt Kiều có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam 

Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

Và theo quy định tại khoản 1 Điều 186 Luật đất đai 2013 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài như bạn của bạn thuộc đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Như vậy, để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bạn của bạn phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam, cho phép cư trú tại Việt Nam từ 03 tháng trở lên và có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

 Quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài

Quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài có phần hạn hẹp hơn so với công dân Việt Nam. Cụ thể:

- Đối với chung cư: 

Cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư.

Trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương khu vực hành chính cấp phường nhưng có nhiều tòa chung cư thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa nhà chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này.

- Đối với nhà ở riêng lẻ:

Trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường có:

+ Dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ dưới 2500 căn: cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó;

+ Dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ 2500 căn: cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 250 căn nhà trong dự án đó;

2 dự án trở lên mà tổng số nhà ở trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2500 căn thì cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% lượng nhà ở của mỗi dự án

Quy định cấp Giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở là người Việt Kiều

Khoản 1 Điều 6 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở nếu có đủ điều kiện sau:

- Có giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp (tuân thủ điều kiện và hình thức) theo quy định Luật Nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật có liên quan.

- Có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định.

Lưu ý: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu không được nhập cảnh vào Việt Nam mà được thừa kế hoặc được tặng cho nhà ở tại Việt Nam thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng có quyền bán hoặc tặng cho hoặc thống nhất phân chia theo quy định về các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Việt Kiều có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không?

Khoản 2 Điều 186 Luật Đất đai 2013 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ dưới đây:

+ Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

+ Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

+ Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

+ Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng).

 

Thu gọn